Tuesday, April 5, 2011

Pháp coi Trung Quốc là thị trường màu mỡ

Pháp coi Trung Quốc là thị trường màu mỡ
tuanquang cập nhật ngày: 03/04/2011

Các doanh nghiệp Pháp đang muốn mở rộng thị phần tại Trung Quốc nhằm hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của quốc gia lớn thứ hai thế giới này.

Thách thức hiện nay của các công ty Pháp tại Trung Quốc là làm thế nào để tập trung phát triển ở thị trường nước này thay vì xuất khẩu tới. China Daily dẫn lời bà Annick de Kermadec-Bentzmann, Giám đốc phòng Thương mại Pháp (CCIFC), cho biết Trung Quốc hấp dẫn các công ty của Pháp vì xu hướng tăng trưởng mạnh của nền kinh tế sẽ hứa hẹn đem lại nhiều cơ hội kinh doanh lớn để tạo ra doanh thu đáng kể cho các nhà đầu tư Pháp.

Các doanh nghiệp Pháp đang lên kế hoạch điều chỉnh chiến lược công nghiệp, thương mại toàn cầu của mình tại thị trường Trung Quốc và nghiên cứu để phù hợp hơn với chiến lược kinh tế mới trong giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015) của quốc gia này. Đối với các công ty Pháp, Trung Quốc là một địa điểm đầu tư hàng đầu với tiềm năng lớn về kinh doanh hàng công nghệ cao và tiêu thu nội địa.

Năm 2010, doanh thu của các công ty Pháp tại Trung Quốc đạt 35 tỷ EURO (49,75 tỷ USD), gấp 3 lần tổng xuất khẩu trực tiếp của Pháp sang Trung Quốc. Theo CCIFC, năm 2010 xuất khẩu của Pháp sang Trung Quốc đạt 11 tỷ Euro, tăng 39,4% so với năm trước đó.

Bà De Kermadec-Bentzmann cho biết các công ty của Pháp rất mong muốn được tham gia vào quá trình chuyển dịch kinh tế của Trung Quốc – động cơ phát triển đất nước này trong 5 năm tới. Hơn nữa, sự hiện diện của các công ty Pháp trên thị trường Trung Quốc đem một cơ hội gián tiếp rất quan trọng khi phát triển mối quan hệ hợp tác với các công ty Trung Quốc nhằm giải quyết các thị trường nước ngoài như Châu Phi và Châu Âu.

Theo CCIFC, 1.000 công ty của Pháp đã có hơn 2.300 chi nhánh tại Trung Quốc, tuyển dụng 500.000 lao động. Trung Quốc và Pháp đã ký những hợp đồng kinh tế trị giá hàng tỷ EURO trong các ngành công nghiệp hàng không, viễn thông và hạt nhân trong chuyến thăm Pháp của chủ tịch Hồ Cẩm Đào tháng 11 năm ngoái.

Theo bà De Kermadec-Bentzmann, các công ty của Pháp cũng đang đẩy mạnh tiến trình thâm nhập của mình vào các thành phố hạng 2 của Trung Quốc, gồm có Thanh Đảo, Trường Sa, Côn Minh và Tây An. Nhãn hàng cao cấp của Pháp Louis Vuitton tuyên bố rằng họ sẽ tăng cường mở rộng kinh doanh hơn nữa tại các thành phố hạng 2 trong năm nay, sau khi mở của hàng đầu tiên của mình tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam vào tháng 1.

http://tretoday.net/news/news/3_Kinh_Te/464789_Phap_coi_Trung_Quoc_la_thi_truong_mau_m%E1%BB%A1/?

Friday, March 18, 2011

Xe hơi ô nhiễm bị cấm chạy vào trung tâm thủ đô Paris?

Xe hơi ô nhiễm bị cấm chạy vào trung tâm thủ đô Paris?

Bắt chước theo các mẫu điển hình của nhiều thủ đô tại Âu châu, ông Bộ trưởng Môi trường của Pháp dự định ban hành lệnh cấm các xe gây ô nhiễm quá mức trong trung tâm của 5 thành phố lớn bao gồm thủ đô Paris, Lyon, Grenoble, Clermont-Ferrand và Aix-en-Provence. Theo đăng tải của báo Le Parisien, những luật lệ cấm đoán đầu tiên dành cho những loại xe ô-tô phát ra nhiều khí thải có hại cho sức khoẻ và gây ô nhiễm môi trường, rất có thể sẽ được áp dụng kể từ giữa năm 2012. Đây là một phần trong những dự thảo luật Grenelle II của Pháp (với 177 phiếu thuận và 135 phiếu chống), chỉ được xem là một thí nghiệm và không áp dụng ở khắp mọi nơi mà chỉ có hiệu lực ở những khu vực ưu tiên phải có không khí trong lành. Những khu vực ưu tiên này hiện nay còn đang được tranh luận nên chưa được xác định rõ rệt. Ví dụ như tại Paris, khu vực ưu tiên rất có thể nằm bên trong phạm vi vòng đai của thủ đô, tuy nhiên một vài phạm vi khác nữa cũng đang được giới có thẩm quyền xem xét (một uỷ ban gồm các thị trưởng của Paris và của những thị trấn xung quanh cùng các hội đồng khu vực địa phương phải thoả thuận với nhau để đưa ra quyết định sau những cuộc thảo luận trong suốt năm 2011). Những xe ô tô chắc chắn bị ảnh hưởng trước tiên của dự luật Grenelle II là những loại xe kiểu cũ chạy bằng dầu, cả những chuếc xe 4x4 đồ sộ cũng bị cấm lưu hành tại những khu vực (sẽ) được quy định. Những chiếc xe này bắt buộc phải dán một "cái nhãn" trên tấm kính chắn gió hoặc ở tấm biển số xe để các máy camera dễ bề kiểm soát.

Giải pháp cấm các loại xe gây ô nhiễm không được lưu thông tại trung tâm các thành phố lớn đã được nhiều quốc gia tại Âu châu áp dụng từ vài năm nay ví dụ như tại thủ đô Luân-đôn của Anh quốc, tại Rome của Ý, tại Bá Linh của Đức hoặc tại thủ đô Stockholm của Thụy-điển, v.v… Và dường như giải pháp này có hiệu quả rất đáng khích lệ vì đã giảm được 20% đến 30% lượng khí thải độc hại.

http://www.khoahoc.net/khoahockythuat.htm

Monday, January 10, 2011

Pháp: Đứng Đầu Thế Giới Về Gián Điệp Kỹ Thuật

Pháp: Đứng Đầu Thế Giới Về Gián Điệp Kỹ Thuật

Pháp là tội phạm đứng đầu trong lãnh vực gián điệp kỹ nghệ, và ngay cả tồi tệ hơn Trung Quốc và Nga, theo lời của người đứng đầu một công ty Đức được trích thuật nói trong một thẩm lậu tin ngoại giao được tiết lộ hôm Thứ Ba.
Berry Smutny, đứng đầu công ty vệ tinh Đức OHB Technology, được trích thuật nói trong một tuyên bố ngoại giao mà Wikileaks có được và được công bố bởi Nhật Báo Aftenposten của Na Uy, nói rằng, "Pháp là đế quốc ác quỷ [trong] việc đánh cắp kỹ thuật, và Đức biết rõ điều này."
Đức, với chính phủ phân quyền, tuy nhiên không muốn làm nhiều để chống lại các hoạt động tình báo kỹ nghệ của Pháp, Smutny cho biết là được giải thích như vậy.
Báo ra ngày 20 tháng 11 năm 2009, viết rằng, "Tiếp tục bày tỏ thái độ khinh khi Pháp, Smutny nói rằng tình báo IPR của Pháp rất xấu tạo ra tất cả thiệt hại cho kinh tế Đức nhiều hơn được tổn hại được gây ra bởi Trung Quốc và Nga."
Công ty OHB Technology được biết rộng rãi vào tháng 1 năm 2010 khi họ đạt được hợp đồng để xây dựng nhiều vệ tinh cho hệ thống vệ tinh hàng hàng hải Galileo, sự thách thức của Âu Châu trì trệ đối với Hệ Thống Global Positioning System phát triển của Mỹ.

http://www.vietbao.com/D_1-2_2-72_4-168495_15-2/

Tuesday, September 7, 2010

Bến Việt giữa trời Tây






Bến Việt giữa trời Tây
Tường An, thông tín viên RFA
2010-09-06

Sau trận chiến Điện Biên Phủ năm 1954, hiệp định Genève đã bắt buộc người Pháp phải từ giã Đông Dương để trở về nguyên quán.

RFA PHOTO/Tường An

Nhà hàng “Le petit d’Asie” ở làng Noyant-d’Allier, Pháp, ảnh chụp hôm 25/08/2010.

Tiểu Á Châu

Hơn một thế kỷ cai trị, đã có những cuộc hôn nhân Việt Pháp và những đứa con hai dòng máu được ra đời. Trở về Pháp, họ đã mang theo gia đình và định cư tại một số nơi trong nước Pháp như: Noyant-d’Allier, Saint Livrade, Marseille… Một trong những ngôi làng có người Việt sống lâu đời nhất là làng Noyant-d’Allier. Ngôi làng cách Paris 400 km về phía Nam, dân số 930 người với hơn một nửa là người “Eurasienne” (tức người Âu, gốc Á châu). Tường An của Đài Á Châu Tự Do gặp gỡ một vài cư dân tại đây và có bài tường trình về ngôi làng Việt Nam này.

Chị đến từ 1955, đi với lại bố mẹ, 2 em gái, 3 em trai. Bố là Tây, Mẹ Việt Nam. Chị đi từ ngoài Bắc, đi từ năm 1952, tàu thủy, vào Sài Gòn, ở SG 6 tháng. Từ Nam lấy tàu thủy về bên Pháp.

Bà Szymonik

Từ năm 1943, Noyant-d’Allier là một ngôi làng bỏ hoang khi các mỏ than bị đóng cửa, nó đã chứng kiến người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến đây trong một ngày mùa đông lạnh giá của năm 1955. Ngôi làng lúc đó trống trải, lạnh lẽo, không có lò sưởi, không có cả nước. Sự bắt đầu không phải dễ dàng. Hơn 400 gia đình đã đùm bọc nhau để trải qua cơn cơ cực lúc đầu. 55 năm trôi qua, bây giờ Noyant- d’Allier còn được gọi bằng cái tên thân thiện “le petit d’Asie” (Tiểu Á Châu), làng đã có ngôi chùa khang trang, một nhà hàng việt nam xinh xắn và mùa hè lôi cuốn khá đông du khách.

Bà Jacquelin Gervais Szymonik, đến đây năm 1955, lúc ấy bà mới vừa 17 tuổi, bà kể lại cuộc hành trình rời quê hương như sau:

“Chị đến từ 1955, đi với lại bố mẹ, 2 em gái, 3 em trai. Bố là Tây, Mẹ Việt Nam. Chị đi từ ngoài Bắc, đi từ năm 1952, tàu thủy, vào Sài Gòn, ở SG 6 tháng. Từ Nam lấy tàu thủy về bên Pháp tới Marseille trong 1 tháng trời. Cả cái tàu thủy ấy toàn rapatriés français indochine (người hồi cư Pháp-Đông Dương) Một tháng trời mà đi thì sung sướng lắm chứ không phải như chạy loạn đâu. Tại vì trước khi đi thì Pháp ký với chính phủ Việt Nam accord Genenève 1954.”

Trong cuộc di cư năm ấy có trên 6.000 người hồi hương, một số là lính thợ, công chức làm việc cho Tây. Đa số là phụ nữ đi theo chồng hoặc là những người có chồng Pháp đã tử trận trong chiến tranh, bà Szymonik kể tiếp:

“Tây lúc mới sang bên Việt Nam là từ 1624. Lúc ấy có mấy ông lấy vợ Việt Nam. Mấy bà vợ Việt Nam thì thành dân Tây rồi. Có mấy ông nhà binh đánh trận với Nhật Bổn, trận 39-45 đó! Nhiều ông mất lắm, để lại vợ với con. Thế xong rồi, lúc mà Tây đánh trận với Việt Cộng, lúc đó Việt Cộng được. Chính phủ Việt Nam mới bảo: chúng tôi muốn độc lập, thôi thì mời các ông Tây đi về nước, mang vợ mang con về. Chính phủ Tây bên này sang bên Việt Nam mang hết tất cả chồng, vợ, con mang về đây.”

Bà Jacquelin Gervais Szymonik tại làng Noyant-d’Allier, ảnh chụp 25/08/2010. RFA PHOTO/Tường An.
Bà Jacquelin Gervais Szymonik tại làng Noyant-d’Allier, ảnh chụp 25/08/2010. RFA PHOTO/Tường An.
Đến Pháp, người thì về đoàn tụ lại với gia đình, kẻ thì bơ vơ với người chồng không cùng chủng tộc. Họ được chia ra ở nhiều nơi trên đất Pháp. Bà Szymonik cùng hơn 2.000 người Việt Nam khác được đưa đến làng Noyant d’Allier, nơi mà bà đã ở cho đến ngày hôm nay. Bà hồi tưởng lại:

“Sang bên này thì ở 2 tháng ở Marseille, sau đó lấy tàu hỏa đi về Moulin, người ta mới mang autocar từ Moulin về làng này. Cái làng này gọi là Noyant, họ cũng có cái mỏ than, mỏ than thì người ta đóng từ 1943. Người làm mỏ than họ đã đi các tỉnh khác. Làng này có 242 cái nhà, độ 20 gia đình, các người làm mỏ than hưu trí thì họ ở lại. Nhà nước có 1 service social (công tác xã hội) gồm 5 người từ Paris về để đón các rapatriés indochine. Họ ở từ 1955 đến 1964 mới đi.”
Danh dự người Việt

Vào thập niên 50, ngôi làng Noyant chỉ là một bãi đất sình lầy. Nhà cửa, cây cỏ, dòng sông đều nhuộm một màu đen vì bụi than. Bà Noëlle Soudan năm nay 82 tuổi, có chồng là thợ tiện, người Pháp. Năm 1960, bà theo chồng về đây giữa một ngôi làng nghèo nàn, phong cảnh tiêu điều, xơ xác. Bà nhớ lại :

Sự thật chúng tôi giữ tự ái của con người Việt Nam hơn là nghĩ đến miếng ăn. Ra đường vẫn cười nhưng mà tiền thì không có trong túi.

Bà Noëlle Soudan

“Chúng tôi về đây hỡi ơi, là vì làng này bỏ hoang lâu rồi, về đây mấy ngày đầu rệp nhiều, nó cắn ghê lắm. Nhà này bỏ hoang bao lâu, vào trong nhà rét gần chết. Rồi thì con bọ chét nó đốt, phải thắp nến, thắp đèn lên bắt, nó nhảy chồm chồm. Thì khổ lắm, khóc mấy năm trời. Đời sống cũng vất vả, khổ sở. Một người đi làm nuôi cả 1 đàn con 8 người với 2 vợ chồng là 10 người mà số lương của công nhân thì đâu có được bao nhiêu.”

Chuyện tình của bà Soudan như một huyền thoại trong các tiểu thuyết lịch sử, từ một kẻ thù, ông Soudan đã trở thành chồng của bà, cay đắng ngọt bùi với nhau cho đến khi ông qua đời, bà kể lại:

“Lúc bấy giờ chúng tôi còn con gái 17-18 tuổi. Tôi là phụ nữ cứu quốc, đi băng bó vớ vẩn rồi bị nó bắt, nó bắn chết. Nó chỉ giữ lại mấy chục phụ nữ thôi. Tôi thì giống Nhật Bổn, tôi cũng bị nó mang ra xử tử. Nhưng có 1 ông nói: không, thời Nhật sang đây chưa có 1 đứa con lớn như vậy. Nó mới thả tôi đấy chứ. Chồng tôi thì ông ấy làm thư ký cho ông commandant (chỉ huy) ở đấy. Ông ấy xin cho tôi về. Ông ấy cứu tôi mang về nhưng tôi tưởng ổng mang tôi về để tra tấn. Ông ấy chỉ cho tôi cái chum nước ra điều đi tắm thì tôi tưởng ổng ấn vào để mà tra tấn, tháng 11 tôi run gần chết. Ổng ra điều bảo tắm, rửa mặt rồi đi vào, ông cho quần áo mới.”

“Những người muôn năm cũ” ấy bây giờ hầu như không còn nữa. Người già thì đã qua đời, người trẻ thì bung ra khắp nơi để làm việc, họ chỉ trở về đây như một chỗ nghỉ chân trong dịp Tết, hè… Làng chỉ còn vài cụ già, người già nhất của làng năm này đã gần trăm tuổi. Bà Soudan cho biết:

“Cái làng này chết hết rồi! Bây giờ chỉ còn mười mấy bà gần trăm tuổi hết rồi, còn thì 5-6 ông nữa thôi! Chết gần hết rồi! Người ta có công ăn việc làm người ta đi tỉnh lớn, con người ta học giỏi đi ra Paris, Marseille, Lyon… đi ra các tỉnh lớn.”

Chùa Pháp Vương Tự ở làng Noyant-d’Allier, ảnh chụp ngày 24/08/2010. RFA PHOTO/Tường An.
Chùa Pháp Vương Tự ở làng Noyant-d’Allier, ảnh chụp ngày 24/08/2010. RFA PHOTO/Tường An.
Cô gái dẫn đường cho chúng tôi đến thăm các cụ già luôn luôn đi bằng cổng sau, cô tự động mở cửa vườn phía sau, gọi lên ơi ới: mémé ơi, mémé có ở nhà không? (ở đây tất cả bà cụ già đều được gọi bằng đại danh từ thân thiện mémé, mémé có nghĩa là bà nội hay bà ngoại) nếu không nghe tiếng trả lời thì cô tự tiện đi vào nhà, thế nào cũng có một bà cụ già móm mém từ trong một góc phòng nào đó hiện ra. Nếu không thì mémé đó đã qua nhà một mémé khác. Và cứ đi vài nhà là sẽ gặp. Các cổng vườn ở đây hầu như không bao giờ đóng. Mémé Soudan nói:

“Chúng tôi mới về đây, thí dụ như bà hàng xóm này lãnh tiền đầu tháng, tôi thì lãnh vào giữa tháng, có người cuối tháng. Thế thì có tiền chia nhau, ăn uống với nhau, công nợ với nhau, rồi thì lãnh thì trả nhau, đâu ra đấy, đùm bọc với nhau chứ không để cho người khác người ta khinh mình, quý lắm ! Như là họ hàng thôi. Như là tiền ai có muốn xài, muốn chung, rồi thì trả lúc nào thì trả, không ai đòi ai hết, mà cứ hỏi là đưa liền, nhiều ít gì mấy trăm euro, bạc ngàn cũng vậy, mấy đồng euro gì cũng thế. Nghĩa là xài chung thế này thôi! Nếu không làm như vậy làm sao được? Có khi mình cũng thiếu chứ! Thiếu đi mượn ai? Có cái danh dự của người Việt Nam ở đây, Tây người ta cũng phải phục.”

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trên xứ lạ quê người, nhưng, như những người phụ nữ việt nam khác, bà Soudan cũng rất chịu khó, tằn tiện để nuôi con ăn học thành tài và nhất là giữ cái thể diện, cái tự hào của người Việt Nam.

“Sự thật chúng tôi giữ tự ái của con người Việt Nam hơn là nghĩ đến miếng ăn. Ra đường vẫn cười nhưng mà tiền thì không có trong túi. Dạy con cũng phải thế, đi ra đường găp ai cũng phải chào: bonjour monsieur, bonjour madame (chào ông, chào bà), đứa nào vô lễ là bị đòn liền. Chúng tôi ở đây hãnh diện lắm, không bao giờ làm mất mặt người Việt Nam. Khổ là khổ trong nhà, chứ ra đường không cho họ biết mình khổ. Ở làng này nghèo khổ như vậy, thiếu thốn như vậy nhưng mà toàn những người học giỏi!”

Trong năm, ngôi làng hầu như hoang vắng. Nhưng vào khoảng tháng 7-tháng 8, những thế hệ con, cháu làm việc khắp nơi trở về đây để nghỉ hè, lúc đó số dân có thể lên đến 2.000 người. Họ về đây để thăm ông bà, cha mẹ, để tổ chức những buổi hội hè, đi chùa, để chào hỏi người thân, bạn bè hoặc chỉ để tưới lại vườn rau trong ngôi nhà cũ. Noyant-d’Allier là một bến đỗ an bình cho những người con gốc Việt trở về sau những tháng ngày phiêu bạt.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Noyant-d-Allier-Ca-Dao-09062010143323.html

Friday, July 16, 2010

Nước Pháp và những khó khăn xã hội kinh niên

Nước Pháp và những khó khăn xã hội kinh niên
Wednesday, July 14, 2010 Bookmark and Share




Hà Tường Cát

Cuộc diễn binh truyền thống vào ngày Quốc Khánh Pháp 14 tháng 7 năm nay trên đại lộ Champs d'Elysées thủ đô Paris, dù là được tổ chức rất long trọng và tưng bừng, nhưng đi dưới trời mưa, như một điềm báo về thực tế chưa sáng sủa trong nhiều vấn đề phức tạp đối với chính quyền của Tổng Thống Nicolas Sarkozy.


Lính Cộng Hòa Trung Phi, một trong 13 đơn vị quân đội quốc gia Phi Châu, đi ngang khán đài ở công trường Concorde
trong cuộc diễn binh truyền thống ngày Quốc Khánh Pháp 14 tháng 7 hôm Thứ Tư trên đại lộ Champs d'Elysées thủ đô Paris.
(Hình: Miguel Medina/AFP/Gett Images)

Thất bại thảm hại của đội tuyển Pháp ở World Cup Nam Phi đưa đến những lủng củng trong nội bộ Liên Ðoàn Bóng Tròn Pháp và tác động đến cả chính phủ, không phải là chuyện đáng kể, nhưng cũng góp phần làm ảm đạm thêm không khí sinh hoạt xã hội và những đề tài tranh luận không bao giờ dứt tại quốc gia có truyền thống tự do dân chủ từ hơn 200 năm này.

Nước Pháp tất nhiên không tránh khỏi tình trạng chung của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Nạn thất nghiệp, một thực tế triền miên, trong hoàn cảnh này đã trầm trọng và tạo thêm. nhiều khó khăn xã hội. Là một chế độ dân chủ đa nguyên, cuộc tranh đấu giữa các đảng phái chính trị khiến cho bất cứ một chính quyền nào cũng có thể tới một lúc lâm vào khủng hoảng. Tổng Thống Nicolas Sarkozy, một chính trị gia cánh hữu, lãnh tụ đảng UMP (Union pour un Mouvement Populaire), với chủ trương hồi phục nền kinh tế và ổn định trật tự xã hội năm 2007 đã đắc cử nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên. Nhưng đến nay, qua nhiều mục tiêu chưa đạt tới cùng với một số đường lối đưa đến tranh luận mâu thuẫn gay gắt, các thăm dò dư luận cho biết uy tín của ông và đảng UMP đã xuống rất thấp.


Quốc Hội Pháp đã biểu quyết đồng thuận dự luật cấm phụ nữ khi đi ra nơi công cộng mang mạng che kín mặt chỉ để hở hai con mắt theo tục lệ Hồi Giáo.
(Hình John Moore/Getty Images)

Dân số Pháp hiện nay khoảng 66 triệu trong đó ít nhất 35% là những dân có gốc gác ngoại quốc trong số đó 12% là di dân sinh quán ở ngoại quốc. Rất khó để có được một thống kê chính xác vì những kiểm tra dân số chính thức không cho phép phân biệt gốc gác dân tộc. Những cộng đồng dân tộc gốc ngoại quốc đông đảo nhất là Hòa Lan, Thụy Sĩ, Thụy Ðiển, Ðức, Anh, Ý, Bồ Ðào Nha và Ðông Âu. Từ hậu bán thế kỷ 20, do phong trào dành độc lập ở Phi Châu, Pháp có một cộng đồng đông đảo di dân Bắc Phi, khoảng 7 triệu, sau này tới Phi Châu da đen, 3 triệu, các xứ Ðông Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Cambodia và Trung Hoa.

Hầu hết những sắc dân này sống ở các đô thị và vùng phụ cận. Dân Việt và Việt gốc Hoa định cư tại Paris tập trung đông đảo ở quận 13 gần khu Porte d'Italie. Di dân gốc Bắc Phi, người Việt quen gọi bằng tiếng lóng là Rệp (Á Rập), tạo ra nhiều vấn đề cho chính quyền vì đa số là dân nghèo, không có công ăn việc làm. Cuộc bạo loạn 5 năm trước đây tại Paris và các thành phố lớn vẫn còn là mối đe dọa tiềm tàng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Theo một đạo luật có từ thời Ðệ Tam Cộng Hòa Pháp, trước Thế Chiến II, trong việc kiểm tra dân số không được phép thâu thập các dữ kiện về dân tộc và tín ngưỡng. Tuy nhiên Công Giáo La Mã đã là tôn giáo chính từ thời Trung Cổ mặc dầu gần đây số tín hữu thuần thành và số người tin Thượng Ðế đã giảm nhiều. Khoảng 1/4 dân Pháp tự coi là người vô thần và khoảng 13% theo các tôn giáo khác trong số đó có 5 triệu tín đồ Hồi Giáo, hầu hết là trong những di dân.

Sau những ý kiến và nhận định khác biệt của dư luận qua nhiều tháng, hôm Thứ Ba, 13 tháng 7, Hạ Viện Pháp đã biểu quyết đồng thuận - chỉ có 1 phiếu chống - dự luật cấm phụ nữ mang mạng che kín mặt, gọi là “burqua”, của người Hồi Giáo, khi đi ra nơi công cộng. Quyết định này ngay trước lễ kỷ niệm ngày phá ngục Bastille, tượng trưng cho lý tưởng “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” bị nhiều người chỉ trích là xâm phạm vào quyền riêng tư của cá nhân. Không có quốc gia nào có quy định về trang phục của người dân, do đó những dư luận chống đối cho rằng đây là sự kỳ thị tôn giáo và chủng tộc.

Theo lập luận của những người chủ trương, và các giới chức công lực, thì ngoài vấn đề không bị bó buộc phải bịt kín thành “một quan tài biết đi,” đây là nhu cầu về an ninh và mọi người phải để cho thấy mặt nghĩa là không che giấu lý lịch của mình khi giao tiếp với xã hội. Ðiều trớ trêu là bây giờ, càng ngày càng có nhiều người giao tiếp ẩn danh hoàn toàn danh qua mạng lưới điện toán (online).

Bỉ và Tây Ban Nha cùng nhiều nước Âu Châu khác cũng đã có khuynh hướng này và đang chờ diễn biến ở Pháp, nơi thật ra chỉ có khoảng 2,000 phụ nữ còn dùng “burqua.” Hội đồng Quốc gia, cơ quan bảo hiến tối cao của Pháp, trước đây mấy tháng đã cảnh cáo là sự cấm đoán này là vi hiến và có thể đưa vấn đề ra trước Tòa án Nhân quyền Liên Âu.

Pháp là một thành viên của nhóm các nước phát triển kinh tế nhưng thực tế hiện nay chỉ là một cường quốc hạng nhì, so sánh với Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản cũng như Ðức hay Anh. Ðường lối ngoại giao của Pháp phần lớn dựa vào Liên Âu (EU) để có được uy lực và hiệu quả. Tháng 4 năm ngoái quyết định của Tổng Thống Sarkozy cho Pháp tái gia nhập tổ chức NATO đã bị nhiều giới chính trị quốc nội phê phán, tuy nhiên đây là một chủ trương cần thiết cho vai trò quốc tế của Pháp khi nước này không đủ uy thế để ở vị trí một đỉnh cao cô lập như De Gaulle đã muốn trước kia.

Pháp mạnh mẽ chống sự can thiệp quân sự vào Iraq nhưng có những đóng góp tích cực về mặt quân sự ở Afghanistan, Somalia và tham gia Lực Lượng Bảo Vệ Hòa Bình Liên Hiệp Quốc tại nhiều nơi, đặc biệt là Phi Châu. Pháp tỏ rõ chiều hướng muốn phát triển hợp tác và quan hệ mậu dịch với các quốc gia đã từng là thuộc địa cũ trong thế kỷ 19 - 20 bao gồm Ðông Dương và Phi Châu, mặc dầu không cạnh tranh nổi với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Ðộ và nhiều nước khác. Hồi đầu tháng 6, trong hội nghị thượng đỉnh vói 38 nhà lãnh đạo quốc gia Phi Châu họp tại Nice, bên bờ biển Ðịa Trung Hải, Tổng Thống Sarkozy đã đề cao vai trò của lục địa này và cho rằng: “không thể nào đề cập đến những vấn đề lớn của thế giới mà thiếu sự tham dự của Phi Châu.”

Cuộc diễn binh truyền thống hằng năm ngày 14 tháng 7 tại Paris đã từng có sự tham dự của quân đội các quốc gia bạn, kể cả Hoa Kỳ, Anh và Nga; năm ngoái là Ấn Ðộ. Năm nay, một số vị nguyên thủ quốc gia 13 nước Phi Châu đã dự kiến cuộc diễn binh trên đại lộ Champs d'Elysées của quân đội Pháp và những đơn vị đại diện quân đội Benin, Burkina Faso, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Congo, Gabon, Mali, Mauritania, Niger, Senegal, Chad và Togo. Ðơn vị Benin dẫn đầu với một đội toàn nữ binh, Ivory Coast không có quân đội diễn hành nhưng có sự hiện diện của một bộ trưởng.

Một số dư luận từ các tổ chức bênh vực nhân quyền lên tiếng phản đối hành động này vì cho rằng trong số các nhà lãnh đạo quốc gia Phi Châu, có những nhà độc tài đàn áp dân chúng của họ và vi phạm nhân quyền. Danyel Dubreuil của tổ chức nhân quyền Survie nói là trong cuộc diễn hành có một số binh sĩ thuộc đơn vị dân binh Cobra đã từng tham dự cuộc nội chiến ở Congo-Brazaville, nơi hàng ngàn dân chúng đã bị thiệt mạng. Ngoài ra hành động này thể hiện tâm trạng luyến tiếc quá khứ vì đây là những thuộc địa cũ của Pháp, và sự đề cao kỷ niệm 50 năm độc lập của họ là sự đánh lạc hướng dư luận bởi lẽ Pháp không tự ý trao trả độc lập mà họ đã giành được qua chiến đấu.

Tổng Thống Sarkozy cũng như Bộ Trưởng Quốc Phòng Pháp Herve Morin bác bỏ những lời phê phán này và cho rằng: “Ðây không phải là lúc nhìn lại quá khứ mà phải tìm cơ hội họp tác hướng về tương lai.” (HC)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=116026&z=5

Thursday, June 17, 2010

Pháp dự trù nâng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62

Pháp dự trù nâng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62
Wednesday, June 16, 2010 Bookmark and Share


PARIS, Pháp (AP) – Chính phủ Pháp dự trù sẽ nâng tuổi về hưu từ 60 lên 62 vào năm 2018 trong nỗ lực nhằm kiểm soát tình trạng suy thóai tài chánh trong nuớc, theo bộ trưởng Lao Động Pháp cho hay hôm thứ Tư.



Dân Pháp biểu tình ở Marseille hồi cuối tháng Năm 2010, đòi giữ mức tuổi về hưu là 60. (Hình: Reuters)

Ông Eric Woerth, gọi biện pháp này, vốn đang gặp sự đả kích nặng nề của đảng đối lập Xã Hội và nghiệp đoàn lao động, “thật sự là một bổn phận đạo đức,” trước hoàn cảnh thíêu hụt ngân sách lớn lao và tuổi trung bình của người dân ngày một cao hơn, vốn theo ông Woerth là sự đe dọa đối với khả năng sống còn của qũy hưu trí nước Pháp.

Mức thiếu hụt ngân sách của Pháp lên đến 7.5 phần trăm tổng sản lượng nội địa (gross domestic product GDP) hồi năm ngoái, Chính phủ hiện nay hứa sẽ đem mức thiếu hụt xuống dưới 3 phần trăm—mức do khối EU ấn định—vào năm 2013.

Ông Woerth cũng nói rằng cải cách này cũng sẽ đưa nước Pháp đến gần tiêu chuẩn của các quốc gia EU khác, cũng phải nâng tuổi hưu trí và cắt giảm chi tiêu.

Cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp khiến cho nhu cầu tiến hành cải cách ở Pháp cấp thiết hơn.

Ông Woerth nói biện pháp này sẽ “công bằng và hợp lý,” áp dụng đồng đều cho công nhân trong cả hai khu vực thương mại công và tư.

Ngay cả trước khi các biện pháp này đuợc loan báo hôm thứ Tư, các nhà lập pháp thuộc đảng Xã Hội đối lập và các nghiệp đoàn đã có lời phản đối mạnh mẽ. Hôm thứ Ba, hàng chục ngàn người biểu tình tuần hành qua đừơng phố ở Paris để phản đối quyết định này. (V.Giang)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=114498&z=5