Tuesday, September 7, 2010

Bến Việt giữa trời Tây






Bến Việt giữa trời Tây
Tường An, thông tín viên RFA
2010-09-06

Sau trận chiến Điện Biên Phủ năm 1954, hiệp định Genève đã bắt buộc người Pháp phải từ giã Đông Dương để trở về nguyên quán.

RFA PHOTO/Tường An

Nhà hàng “Le petit d’Asie” ở làng Noyant-d’Allier, Pháp, ảnh chụp hôm 25/08/2010.

Tiểu Á Châu

Hơn một thế kỷ cai trị, đã có những cuộc hôn nhân Việt Pháp và những đứa con hai dòng máu được ra đời. Trở về Pháp, họ đã mang theo gia đình và định cư tại một số nơi trong nước Pháp như: Noyant-d’Allier, Saint Livrade, Marseille… Một trong những ngôi làng có người Việt sống lâu đời nhất là làng Noyant-d’Allier. Ngôi làng cách Paris 400 km về phía Nam, dân số 930 người với hơn một nửa là người “Eurasienne” (tức người Âu, gốc Á châu). Tường An của Đài Á Châu Tự Do gặp gỡ một vài cư dân tại đây và có bài tường trình về ngôi làng Việt Nam này.

Chị đến từ 1955, đi với lại bố mẹ, 2 em gái, 3 em trai. Bố là Tây, Mẹ Việt Nam. Chị đi từ ngoài Bắc, đi từ năm 1952, tàu thủy, vào Sài Gòn, ở SG 6 tháng. Từ Nam lấy tàu thủy về bên Pháp.

Bà Szymonik

Từ năm 1943, Noyant-d’Allier là một ngôi làng bỏ hoang khi các mỏ than bị đóng cửa, nó đã chứng kiến người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến đây trong một ngày mùa đông lạnh giá của năm 1955. Ngôi làng lúc đó trống trải, lạnh lẽo, không có lò sưởi, không có cả nước. Sự bắt đầu không phải dễ dàng. Hơn 400 gia đình đã đùm bọc nhau để trải qua cơn cơ cực lúc đầu. 55 năm trôi qua, bây giờ Noyant- d’Allier còn được gọi bằng cái tên thân thiện “le petit d’Asie” (Tiểu Á Châu), làng đã có ngôi chùa khang trang, một nhà hàng việt nam xinh xắn và mùa hè lôi cuốn khá đông du khách.

Bà Jacquelin Gervais Szymonik, đến đây năm 1955, lúc ấy bà mới vừa 17 tuổi, bà kể lại cuộc hành trình rời quê hương như sau:

“Chị đến từ 1955, đi với lại bố mẹ, 2 em gái, 3 em trai. Bố là Tây, Mẹ Việt Nam. Chị đi từ ngoài Bắc, đi từ năm 1952, tàu thủy, vào Sài Gòn, ở SG 6 tháng. Từ Nam lấy tàu thủy về bên Pháp tới Marseille trong 1 tháng trời. Cả cái tàu thủy ấy toàn rapatriés français indochine (người hồi cư Pháp-Đông Dương) Một tháng trời mà đi thì sung sướng lắm chứ không phải như chạy loạn đâu. Tại vì trước khi đi thì Pháp ký với chính phủ Việt Nam accord Genenève 1954.”

Trong cuộc di cư năm ấy có trên 6.000 người hồi hương, một số là lính thợ, công chức làm việc cho Tây. Đa số là phụ nữ đi theo chồng hoặc là những người có chồng Pháp đã tử trận trong chiến tranh, bà Szymonik kể tiếp:

“Tây lúc mới sang bên Việt Nam là từ 1624. Lúc ấy có mấy ông lấy vợ Việt Nam. Mấy bà vợ Việt Nam thì thành dân Tây rồi. Có mấy ông nhà binh đánh trận với Nhật Bổn, trận 39-45 đó! Nhiều ông mất lắm, để lại vợ với con. Thế xong rồi, lúc mà Tây đánh trận với Việt Cộng, lúc đó Việt Cộng được. Chính phủ Việt Nam mới bảo: chúng tôi muốn độc lập, thôi thì mời các ông Tây đi về nước, mang vợ mang con về. Chính phủ Tây bên này sang bên Việt Nam mang hết tất cả chồng, vợ, con mang về đây.”

Bà Jacquelin Gervais Szymonik tại làng Noyant-d’Allier, ảnh chụp 25/08/2010. RFA PHOTO/Tường An.
Bà Jacquelin Gervais Szymonik tại làng Noyant-d’Allier, ảnh chụp 25/08/2010. RFA PHOTO/Tường An.
Đến Pháp, người thì về đoàn tụ lại với gia đình, kẻ thì bơ vơ với người chồng không cùng chủng tộc. Họ được chia ra ở nhiều nơi trên đất Pháp. Bà Szymonik cùng hơn 2.000 người Việt Nam khác được đưa đến làng Noyant d’Allier, nơi mà bà đã ở cho đến ngày hôm nay. Bà hồi tưởng lại:

“Sang bên này thì ở 2 tháng ở Marseille, sau đó lấy tàu hỏa đi về Moulin, người ta mới mang autocar từ Moulin về làng này. Cái làng này gọi là Noyant, họ cũng có cái mỏ than, mỏ than thì người ta đóng từ 1943. Người làm mỏ than họ đã đi các tỉnh khác. Làng này có 242 cái nhà, độ 20 gia đình, các người làm mỏ than hưu trí thì họ ở lại. Nhà nước có 1 service social (công tác xã hội) gồm 5 người từ Paris về để đón các rapatriés indochine. Họ ở từ 1955 đến 1964 mới đi.”
Danh dự người Việt

Vào thập niên 50, ngôi làng Noyant chỉ là một bãi đất sình lầy. Nhà cửa, cây cỏ, dòng sông đều nhuộm một màu đen vì bụi than. Bà Noëlle Soudan năm nay 82 tuổi, có chồng là thợ tiện, người Pháp. Năm 1960, bà theo chồng về đây giữa một ngôi làng nghèo nàn, phong cảnh tiêu điều, xơ xác. Bà nhớ lại :

Sự thật chúng tôi giữ tự ái của con người Việt Nam hơn là nghĩ đến miếng ăn. Ra đường vẫn cười nhưng mà tiền thì không có trong túi.

Bà Noëlle Soudan

“Chúng tôi về đây hỡi ơi, là vì làng này bỏ hoang lâu rồi, về đây mấy ngày đầu rệp nhiều, nó cắn ghê lắm. Nhà này bỏ hoang bao lâu, vào trong nhà rét gần chết. Rồi thì con bọ chét nó đốt, phải thắp nến, thắp đèn lên bắt, nó nhảy chồm chồm. Thì khổ lắm, khóc mấy năm trời. Đời sống cũng vất vả, khổ sở. Một người đi làm nuôi cả 1 đàn con 8 người với 2 vợ chồng là 10 người mà số lương của công nhân thì đâu có được bao nhiêu.”

Chuyện tình của bà Soudan như một huyền thoại trong các tiểu thuyết lịch sử, từ một kẻ thù, ông Soudan đã trở thành chồng của bà, cay đắng ngọt bùi với nhau cho đến khi ông qua đời, bà kể lại:

“Lúc bấy giờ chúng tôi còn con gái 17-18 tuổi. Tôi là phụ nữ cứu quốc, đi băng bó vớ vẩn rồi bị nó bắt, nó bắn chết. Nó chỉ giữ lại mấy chục phụ nữ thôi. Tôi thì giống Nhật Bổn, tôi cũng bị nó mang ra xử tử. Nhưng có 1 ông nói: không, thời Nhật sang đây chưa có 1 đứa con lớn như vậy. Nó mới thả tôi đấy chứ. Chồng tôi thì ông ấy làm thư ký cho ông commandant (chỉ huy) ở đấy. Ông ấy xin cho tôi về. Ông ấy cứu tôi mang về nhưng tôi tưởng ổng mang tôi về để tra tấn. Ông ấy chỉ cho tôi cái chum nước ra điều đi tắm thì tôi tưởng ổng ấn vào để mà tra tấn, tháng 11 tôi run gần chết. Ổng ra điều bảo tắm, rửa mặt rồi đi vào, ông cho quần áo mới.”

“Những người muôn năm cũ” ấy bây giờ hầu như không còn nữa. Người già thì đã qua đời, người trẻ thì bung ra khắp nơi để làm việc, họ chỉ trở về đây như một chỗ nghỉ chân trong dịp Tết, hè… Làng chỉ còn vài cụ già, người già nhất của làng năm này đã gần trăm tuổi. Bà Soudan cho biết:

“Cái làng này chết hết rồi! Bây giờ chỉ còn mười mấy bà gần trăm tuổi hết rồi, còn thì 5-6 ông nữa thôi! Chết gần hết rồi! Người ta có công ăn việc làm người ta đi tỉnh lớn, con người ta học giỏi đi ra Paris, Marseille, Lyon… đi ra các tỉnh lớn.”

Chùa Pháp Vương Tự ở làng Noyant-d’Allier, ảnh chụp ngày 24/08/2010. RFA PHOTO/Tường An.
Chùa Pháp Vương Tự ở làng Noyant-d’Allier, ảnh chụp ngày 24/08/2010. RFA PHOTO/Tường An.
Cô gái dẫn đường cho chúng tôi đến thăm các cụ già luôn luôn đi bằng cổng sau, cô tự động mở cửa vườn phía sau, gọi lên ơi ới: mémé ơi, mémé có ở nhà không? (ở đây tất cả bà cụ già đều được gọi bằng đại danh từ thân thiện mémé, mémé có nghĩa là bà nội hay bà ngoại) nếu không nghe tiếng trả lời thì cô tự tiện đi vào nhà, thế nào cũng có một bà cụ già móm mém từ trong một góc phòng nào đó hiện ra. Nếu không thì mémé đó đã qua nhà một mémé khác. Và cứ đi vài nhà là sẽ gặp. Các cổng vườn ở đây hầu như không bao giờ đóng. Mémé Soudan nói:

“Chúng tôi mới về đây, thí dụ như bà hàng xóm này lãnh tiền đầu tháng, tôi thì lãnh vào giữa tháng, có người cuối tháng. Thế thì có tiền chia nhau, ăn uống với nhau, công nợ với nhau, rồi thì lãnh thì trả nhau, đâu ra đấy, đùm bọc với nhau chứ không để cho người khác người ta khinh mình, quý lắm ! Như là họ hàng thôi. Như là tiền ai có muốn xài, muốn chung, rồi thì trả lúc nào thì trả, không ai đòi ai hết, mà cứ hỏi là đưa liền, nhiều ít gì mấy trăm euro, bạc ngàn cũng vậy, mấy đồng euro gì cũng thế. Nghĩa là xài chung thế này thôi! Nếu không làm như vậy làm sao được? Có khi mình cũng thiếu chứ! Thiếu đi mượn ai? Có cái danh dự của người Việt Nam ở đây, Tây người ta cũng phải phục.”

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trên xứ lạ quê người, nhưng, như những người phụ nữ việt nam khác, bà Soudan cũng rất chịu khó, tằn tiện để nuôi con ăn học thành tài và nhất là giữ cái thể diện, cái tự hào của người Việt Nam.

“Sự thật chúng tôi giữ tự ái của con người Việt Nam hơn là nghĩ đến miếng ăn. Ra đường vẫn cười nhưng mà tiền thì không có trong túi. Dạy con cũng phải thế, đi ra đường găp ai cũng phải chào: bonjour monsieur, bonjour madame (chào ông, chào bà), đứa nào vô lễ là bị đòn liền. Chúng tôi ở đây hãnh diện lắm, không bao giờ làm mất mặt người Việt Nam. Khổ là khổ trong nhà, chứ ra đường không cho họ biết mình khổ. Ở làng này nghèo khổ như vậy, thiếu thốn như vậy nhưng mà toàn những người học giỏi!”

Trong năm, ngôi làng hầu như hoang vắng. Nhưng vào khoảng tháng 7-tháng 8, những thế hệ con, cháu làm việc khắp nơi trở về đây để nghỉ hè, lúc đó số dân có thể lên đến 2.000 người. Họ về đây để thăm ông bà, cha mẹ, để tổ chức những buổi hội hè, đi chùa, để chào hỏi người thân, bạn bè hoặc chỉ để tưới lại vườn rau trong ngôi nhà cũ. Noyant-d’Allier là một bến đỗ an bình cho những người con gốc Việt trở về sau những tháng ngày phiêu bạt.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Noyant-d-Allier-Ca-Dao-09062010143323.html

No comments:

Post a Comment