Friday, July 16, 2010

Nước Pháp và những khó khăn xã hội kinh niên

Nước Pháp và những khó khăn xã hội kinh niên
Wednesday, July 14, 2010 Bookmark and Share




Hà Tường Cát

Cuộc diễn binh truyền thống vào ngày Quốc Khánh Pháp 14 tháng 7 năm nay trên đại lộ Champs d'Elysées thủ đô Paris, dù là được tổ chức rất long trọng và tưng bừng, nhưng đi dưới trời mưa, như một điềm báo về thực tế chưa sáng sủa trong nhiều vấn đề phức tạp đối với chính quyền của Tổng Thống Nicolas Sarkozy.


Lính Cộng Hòa Trung Phi, một trong 13 đơn vị quân đội quốc gia Phi Châu, đi ngang khán đài ở công trường Concorde
trong cuộc diễn binh truyền thống ngày Quốc Khánh Pháp 14 tháng 7 hôm Thứ Tư trên đại lộ Champs d'Elysées thủ đô Paris.
(Hình: Miguel Medina/AFP/Gett Images)

Thất bại thảm hại của đội tuyển Pháp ở World Cup Nam Phi đưa đến những lủng củng trong nội bộ Liên Ðoàn Bóng Tròn Pháp và tác động đến cả chính phủ, không phải là chuyện đáng kể, nhưng cũng góp phần làm ảm đạm thêm không khí sinh hoạt xã hội và những đề tài tranh luận không bao giờ dứt tại quốc gia có truyền thống tự do dân chủ từ hơn 200 năm này.

Nước Pháp tất nhiên không tránh khỏi tình trạng chung của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Nạn thất nghiệp, một thực tế triền miên, trong hoàn cảnh này đã trầm trọng và tạo thêm. nhiều khó khăn xã hội. Là một chế độ dân chủ đa nguyên, cuộc tranh đấu giữa các đảng phái chính trị khiến cho bất cứ một chính quyền nào cũng có thể tới một lúc lâm vào khủng hoảng. Tổng Thống Nicolas Sarkozy, một chính trị gia cánh hữu, lãnh tụ đảng UMP (Union pour un Mouvement Populaire), với chủ trương hồi phục nền kinh tế và ổn định trật tự xã hội năm 2007 đã đắc cử nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên. Nhưng đến nay, qua nhiều mục tiêu chưa đạt tới cùng với một số đường lối đưa đến tranh luận mâu thuẫn gay gắt, các thăm dò dư luận cho biết uy tín của ông và đảng UMP đã xuống rất thấp.


Quốc Hội Pháp đã biểu quyết đồng thuận dự luật cấm phụ nữ khi đi ra nơi công cộng mang mạng che kín mặt chỉ để hở hai con mắt theo tục lệ Hồi Giáo.
(Hình John Moore/Getty Images)

Dân số Pháp hiện nay khoảng 66 triệu trong đó ít nhất 35% là những dân có gốc gác ngoại quốc trong số đó 12% là di dân sinh quán ở ngoại quốc. Rất khó để có được một thống kê chính xác vì những kiểm tra dân số chính thức không cho phép phân biệt gốc gác dân tộc. Những cộng đồng dân tộc gốc ngoại quốc đông đảo nhất là Hòa Lan, Thụy Sĩ, Thụy Ðiển, Ðức, Anh, Ý, Bồ Ðào Nha và Ðông Âu. Từ hậu bán thế kỷ 20, do phong trào dành độc lập ở Phi Châu, Pháp có một cộng đồng đông đảo di dân Bắc Phi, khoảng 7 triệu, sau này tới Phi Châu da đen, 3 triệu, các xứ Ðông Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Cambodia và Trung Hoa.

Hầu hết những sắc dân này sống ở các đô thị và vùng phụ cận. Dân Việt và Việt gốc Hoa định cư tại Paris tập trung đông đảo ở quận 13 gần khu Porte d'Italie. Di dân gốc Bắc Phi, người Việt quen gọi bằng tiếng lóng là Rệp (Á Rập), tạo ra nhiều vấn đề cho chính quyền vì đa số là dân nghèo, không có công ăn việc làm. Cuộc bạo loạn 5 năm trước đây tại Paris và các thành phố lớn vẫn còn là mối đe dọa tiềm tàng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Theo một đạo luật có từ thời Ðệ Tam Cộng Hòa Pháp, trước Thế Chiến II, trong việc kiểm tra dân số không được phép thâu thập các dữ kiện về dân tộc và tín ngưỡng. Tuy nhiên Công Giáo La Mã đã là tôn giáo chính từ thời Trung Cổ mặc dầu gần đây số tín hữu thuần thành và số người tin Thượng Ðế đã giảm nhiều. Khoảng 1/4 dân Pháp tự coi là người vô thần và khoảng 13% theo các tôn giáo khác trong số đó có 5 triệu tín đồ Hồi Giáo, hầu hết là trong những di dân.

Sau những ý kiến và nhận định khác biệt của dư luận qua nhiều tháng, hôm Thứ Ba, 13 tháng 7, Hạ Viện Pháp đã biểu quyết đồng thuận - chỉ có 1 phiếu chống - dự luật cấm phụ nữ mang mạng che kín mặt, gọi là “burqua”, của người Hồi Giáo, khi đi ra nơi công cộng. Quyết định này ngay trước lễ kỷ niệm ngày phá ngục Bastille, tượng trưng cho lý tưởng “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” bị nhiều người chỉ trích là xâm phạm vào quyền riêng tư của cá nhân. Không có quốc gia nào có quy định về trang phục của người dân, do đó những dư luận chống đối cho rằng đây là sự kỳ thị tôn giáo và chủng tộc.

Theo lập luận của những người chủ trương, và các giới chức công lực, thì ngoài vấn đề không bị bó buộc phải bịt kín thành “một quan tài biết đi,” đây là nhu cầu về an ninh và mọi người phải để cho thấy mặt nghĩa là không che giấu lý lịch của mình khi giao tiếp với xã hội. Ðiều trớ trêu là bây giờ, càng ngày càng có nhiều người giao tiếp ẩn danh hoàn toàn danh qua mạng lưới điện toán (online).

Bỉ và Tây Ban Nha cùng nhiều nước Âu Châu khác cũng đã có khuynh hướng này và đang chờ diễn biến ở Pháp, nơi thật ra chỉ có khoảng 2,000 phụ nữ còn dùng “burqua.” Hội đồng Quốc gia, cơ quan bảo hiến tối cao của Pháp, trước đây mấy tháng đã cảnh cáo là sự cấm đoán này là vi hiến và có thể đưa vấn đề ra trước Tòa án Nhân quyền Liên Âu.

Pháp là một thành viên của nhóm các nước phát triển kinh tế nhưng thực tế hiện nay chỉ là một cường quốc hạng nhì, so sánh với Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản cũng như Ðức hay Anh. Ðường lối ngoại giao của Pháp phần lớn dựa vào Liên Âu (EU) để có được uy lực và hiệu quả. Tháng 4 năm ngoái quyết định của Tổng Thống Sarkozy cho Pháp tái gia nhập tổ chức NATO đã bị nhiều giới chính trị quốc nội phê phán, tuy nhiên đây là một chủ trương cần thiết cho vai trò quốc tế của Pháp khi nước này không đủ uy thế để ở vị trí một đỉnh cao cô lập như De Gaulle đã muốn trước kia.

Pháp mạnh mẽ chống sự can thiệp quân sự vào Iraq nhưng có những đóng góp tích cực về mặt quân sự ở Afghanistan, Somalia và tham gia Lực Lượng Bảo Vệ Hòa Bình Liên Hiệp Quốc tại nhiều nơi, đặc biệt là Phi Châu. Pháp tỏ rõ chiều hướng muốn phát triển hợp tác và quan hệ mậu dịch với các quốc gia đã từng là thuộc địa cũ trong thế kỷ 19 - 20 bao gồm Ðông Dương và Phi Châu, mặc dầu không cạnh tranh nổi với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Ðộ và nhiều nước khác. Hồi đầu tháng 6, trong hội nghị thượng đỉnh vói 38 nhà lãnh đạo quốc gia Phi Châu họp tại Nice, bên bờ biển Ðịa Trung Hải, Tổng Thống Sarkozy đã đề cao vai trò của lục địa này và cho rằng: “không thể nào đề cập đến những vấn đề lớn của thế giới mà thiếu sự tham dự của Phi Châu.”

Cuộc diễn binh truyền thống hằng năm ngày 14 tháng 7 tại Paris đã từng có sự tham dự của quân đội các quốc gia bạn, kể cả Hoa Kỳ, Anh và Nga; năm ngoái là Ấn Ðộ. Năm nay, một số vị nguyên thủ quốc gia 13 nước Phi Châu đã dự kiến cuộc diễn binh trên đại lộ Champs d'Elysées của quân đội Pháp và những đơn vị đại diện quân đội Benin, Burkina Faso, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Congo, Gabon, Mali, Mauritania, Niger, Senegal, Chad và Togo. Ðơn vị Benin dẫn đầu với một đội toàn nữ binh, Ivory Coast không có quân đội diễn hành nhưng có sự hiện diện của một bộ trưởng.

Một số dư luận từ các tổ chức bênh vực nhân quyền lên tiếng phản đối hành động này vì cho rằng trong số các nhà lãnh đạo quốc gia Phi Châu, có những nhà độc tài đàn áp dân chúng của họ và vi phạm nhân quyền. Danyel Dubreuil của tổ chức nhân quyền Survie nói là trong cuộc diễn hành có một số binh sĩ thuộc đơn vị dân binh Cobra đã từng tham dự cuộc nội chiến ở Congo-Brazaville, nơi hàng ngàn dân chúng đã bị thiệt mạng. Ngoài ra hành động này thể hiện tâm trạng luyến tiếc quá khứ vì đây là những thuộc địa cũ của Pháp, và sự đề cao kỷ niệm 50 năm độc lập của họ là sự đánh lạc hướng dư luận bởi lẽ Pháp không tự ý trao trả độc lập mà họ đã giành được qua chiến đấu.

Tổng Thống Sarkozy cũng như Bộ Trưởng Quốc Phòng Pháp Herve Morin bác bỏ những lời phê phán này và cho rằng: “Ðây không phải là lúc nhìn lại quá khứ mà phải tìm cơ hội họp tác hướng về tương lai.” (HC)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=116026&z=5

No comments:

Post a Comment